Sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là chuyện viễn tưởng. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà chỉ một cú nhấp chuột, một dòng lệnh, một mô hình huấn luyện đủ mạnh có thể làm thay đổi cả ngành nghề. Điều này khiến không ít người cảm thấy lo ngại, thậm chí hoang mang khi nghĩ về viễn cảnh “AI sẽ cướp việc của con người”. Nhưng cũng như mọi cuộc cách mạng công nghệ trước đây, AI không chỉ đóng vai trò là kẻ thay thế, mà còn là chất xúc tác mở ra hàng loạt cơ hội mới.
Không phải là nỗi sợ, mà là cơ hội
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, AI và công nghệ tự động hóa dự kiến sẽ tạo ra đến 97 triệu việc làm mới vào năm 2025. Đồng thời, năm 2023, số lượng tin tuyển dụng liên quan đến AI tăng gấp 21 lần trên toàn cầu. Những con số biết nói cho thấy: đây không phải là “kỷ nguyên thất nghiệp” mà là kỷ nguyên của tái cấu trúc lao động – nơi mà ai nắm bắt được công nghệ, người đó dẫn đầu.
Tất nhiên, nỗi lo về “thất nghiệp công nghệ” không phải mới. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes từng cảnh báo từ năm 1930 rằng tốc độ phát triển kỹ thuật có thể khiến lao động dư thừa mà chưa tìm ra cách sử dụng hợp lý. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại: công nghệ tuy làm mất một số việc, nhưng lại tạo ra nhiều ngành nghề mới, thậm chí là chưa từng tồn tại.
Karl Compton, cựu Chủ tịch Viện MIT, từng dẫn ví dụ: một nhà máy tự động hóa có thể giảm nhân công, nhưng nhờ hạ giá thành sản phẩm, thị trường mở rộng, nhu cầu tăng lên và kéo theo hàng loạt nhà máy khác ra đời – cuối cùng tạo ra nhiều việc làm hơn.
Câu hỏi quan trọng: Học gì?
Đây mới là điều cần tập trung. Bởi AI chắc chắn sẽ len lỏi vào mọi lĩnh vực – bao gồm cả ngành công nghiệp thang máy, nơi tôi đang theo đuổi. Không phải để thay thế hoàn toàn, mà để hỗ trợ, tăng hiệu quả và mở ra những chuẩn mực mới cho sản xuất, lắp đặt, bảo trì.
1. Kiến thức nền tảng là nền móng vững chắc
Dù AI phát triển đến đâu, nếu không nắm vững kiến thức chuyên môn, ta vẫn dễ bị loại khỏi cuộc chơi. Việc hiểu rõ nguyên lý thiết kế cơ khí, điện – điện tử, điều khiển, an toàn trong thang máy… là nền tảng để AI trở thành công cụ phụ trợ thay vì “chủ đạo” điều khiển chúng ta.
2. Làm chủ công cụ – không lệ thuộc
Sẽ đến lúc kỹ năng sử dụng AI trở nên phổ thông như tin học văn phòng hiện nay. Nhưng giống như Word hay Excel, biết dùng chưa đủ – cần hiểu dùng đúng chỗ và hiệu quả. Người lao động phải học cách sử dụng AI như một trợ lý giúp tăng năng suất, chứ không phải “cái gậy thần” làm thay tất cả.
3. Tư duy hệ thống và học suốt đời
Tôi rất tâm đắc câu nói của Alvin Toffler: “Người mù chữ của thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc hay viết, mà là người không biết học, không sẵn sàng học và không thể học lại”. Tinh thần học suốt đời, không ngại cập nhật tri thức, là chìa khóa để không trở thành “khủng hoảng thừa vô dụng”.
AI trong ngành thang máy – Thách thức và tiềm năng
AI hiện đã bước vào các khâu thiết kế, sản xuất, lắp đặt và bảo trì thang máy. Một số ví dụ rõ ràng:
- Thiết kế: AI có thể tự động tạo ra hàng ngàn bản vẽ theo dữ liệu đầu vào. Tuy nhiên, cảm xúc thiết kế – tính thẩm mỹ, sự phù hợp với không gian, trải nghiệm người dùng – vẫn là điều chỉ con người làm được.
- Lắp đặt: Schindler đã tiên phong ứng dụng robot để đảm nhiệm các bước lắp đặt, giúp tăng độ chính xác và giảm rủi ro tai nạn.
- Bảo trì thông minh: Các giải pháp “bảo trì dự đoán” (predictive maintenance), “kiểm soát từ xa” (remote monitoring) đã được Kone, Gama Service, v.v. ứng dụng tại Việt Nam. Đây là thành quả trực tiếp của việc kết hợp AI với IoT và phân tích dữ liệu.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là: những tiến bộ này phần lớn đến từ nhóm kỹ năng cứng. Trong khi đó, các kỹ năng mềm như phán đoán tình huống, giao tiếp, sự đồng cảm, đánh giá bối cảnh và ra quyết định vẫn là những lợi thế riêng biệt của con người.
Kết luận: AI là cơ hội, nếu bạn sẵn sàng
Chúng ta không cần sợ AI. Điều duy nhất đáng sợ là sự trì trệ trong tư duy, sự từ chối thay đổi và không chịu học hỏi.
Tôi tin rằng trong ngành thang máy cũng như bất kỳ lĩnh vực kỹ thuật nào, nếu ta vững nền tảng, luôn rèn luyện tư duy phản biện, tư duy hệ thống, biết khai thác công cụ công nghệ đúng cách và giữ được tinh thần cầu tiến – thì AI sẽ là cánh tay đắc lực chứ không phải đối thủ đáng sợ.
Thêm bình luận mới