Trong thiết kế cơ khí thang máy, đối trọng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, tiết kiệm và ổn định. Tôi thường gặp nhiều câu hỏi xoay quanh việc: trọng lượng đối trọng nên là bao nhiêu? Có cần bằng đúng với cabin và tải không? Hay có công thức tính cụ thể nào?
Câu trả lời là có, và dưới đây là chia sẻ của tôi – Nghĩa Consult – để bạn có thể hiểu rõ bản chất kỹ thuật phía sau con số.
Đối trọng thang máy là gì?
Đối trọng là một khối nặng chuyển động ngược chiều với cabin, có nhiệm vụ cân bằng lực, giảm tải cho máy kéo, và tối ưu điện năng tiêu thụ. Khi cabin đi lên, đối trọng đi xuống và ngược lại – tạo ra sự cân bằng động lực học giúp thang chạy nhẹ hơn và ổn định hơn.
Công thức tính trọng lượng đối trọng
Trọng lượng đối trọng không phải là tổng tải cabin + người, mà chỉ là một phần – theo công thức tiêu chuẩn dưới đây:
Trọng lượng đối trọng = Trọng lượng cabin + 50% tải trọng danh định
Trong đó:
• Trọng lượng cabin: tùy theo vật liệu cabin, thông thường khoảng 350–500kg với thang máy gia đình
• Tải trọng danh định: là tải trọng ghi trên thông số kỹ thuật, ví dụ 450kg, 630kg…
Ví dụ thực tế: Cabin nặng 400kg, tải trọng danh định là 450kg.
Áp dụng công thức:
Trọng lượng đối trọng = 400 + (0.5 × 450) = 400 + 225 = 625kg
Vậy, khối đối trọng bạn cần lắp cho thang này là 625kg.
Vì sao không lấy 100% tải trọng?
Nhiều người nghĩ nên lấy đối trọng bằng cabin + tải đầy, nhưng đó là hiểu lầm. Lý do là:
- Cabin ít khi đầy tải liên tục trong thực tế sử dụng, nhất là với thang máy gia đình.
- Nếu lấy 100% tải, khi cabin rỗng (không người), sẽ bị đối trọng kéo chạy mất kiểm soát, gây nguy hiểm hoặc làm việc lệch tải cho máy kéo.
- 50% tải danh định được xem là mức tối ưu nhất để vừa tiết kiệm điện, vừa giúp máy kéo vận hành nhẹ, bền hơn và an toàn hơn.
Một vài lưu ý kỹ thuật thêm:
- Với thang máy đặc biệt (thang chở ô tô, hàng hóa), đối trọng có thể điều chỉnh khác chút để phù hợp với cách sử dụng.
- Trọng lượng đối trọng còn bị ảnh hưởng bởi:
- Tỷ số truyền pulley
- Cách sắp xếp cáp kéo (1:1, 2:1…)
- Vị trí đặt puly đổi hướng
Tôi là Nghĩa, tại nghiaConsult – nơi tôi ghi lại những kinh nghiệm kỹ thuật đúc kết từ công trình thực tế. Nếu bạn cũng yêu kỹ thuật và muốn hiểu bản chất sau mỗi thiết bị mình dùng, chúng ta có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện.
Thêm bình luận mới